I. BIỂN BẢNG TRUYỀN THỐNG

1.Khái niệm và đặc điểm

bảng quảng cáo truyền thống của shojiki

Biển bảng truyền thống tập trung tại vòng xoay Cộng Hòa, Hồ Chí Minh; Nguồn: Shojiki Ads

Biển bảng truyền thống hay còn gọi là billboard hoặc pano, là loại hình quảng cáo ngoài trời ra đời sớm nhất tại Việt Nam từ những năm Cộng Hòa, nay vẫn còn tồn tại và đóng vai trò lớn nhất về sản lượng các hạng mục quảng cáo ngoài trời. 

Ước lượng vào thời điểm tháng 10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 50 chủ bảng với hơn 4,000 biển bảng còn đang hoạt động, cả nước có khoảng 20,000 biển bảng. Loại hình này phù hợp với cho hầu hết các sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh và không thể thiếu trong các chiến dịch tăng cường nhận diện thương hiệu các doanh nghiệp lớn do có độ phủ cao và lượt tiếp cận người tiêu dùng lớn. Theo khảo sát quý 1 và quý 2 của công ty Compass-Tech, các ngành hàng sử dụng biển bảng truyền thống nhiều nhất có thể kể đến như: tiêu dùng nhanh (FMCG), điện máy, bất động sản, ứng dụng công nghệ & thương mại điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng[1]

Theo thời gian phát triển, ngày nay biển bảng truyền thống không còn dừng lại là lớp bạt chữ nhật in hình ảnh quảng cáo, chủ thương hiệu có thể chọn thiết kế bảng kết hợp decal in PP, mica, die-cut hoặc mock-up nổi. Những tấm bảng biển quảng cáo ngoài trời không bị giới hạn về thời gian hay không gian quảng cáo, sáng đẹp bất kể là ngày hay đêm, ngoài đèn chiếu sáng thông thường, một số bảng sử dụng đèn led hoặc neon để trang trí, giúp hình ảnh nổi bật trong đêm tối.

Đối với bảng truyền thống, khách hàng thường mua theo năm và chạy thời gian dài để đảm bảo mức độ in vết trong tâm trí khách hàng cũng như chi phí in ấn và lắp đặt. Ước lượng OTC (Opportunity to contact) của một biển bảng dao động 100,000 – 750,000 lượt khách/ngày tùy theo vị trí và khu vực đặt biển bảng.

Trên thực tế, 70% biển quảng cáo được người qua đường liếc nhìn và 63% biển quảng cáo này được đọc toàn bộ. Do đó, không có phương tiện quảng cáo nào khác có thể phù hợp với mức độ người xem và tỷ lệ giữ chân người xem này.

Bảng mock-up kết hợp đèn led viền tại cầu Sài Gòn, Hồ Chí Minh

Bảng mock-up kết hợp đèn led viền tại cầu Sài Gòn, Hồ Chí Minh; Nguồn: Shojiki Ads

2. Phân loại biển bảng truyền thống

Cơ bản có 4 loại bảng truyền thống chính gồm các bảng quảng cáo tầm cao như bảng trụ, bảng ốp tường, bảng tri-vision và bảng quảng cáo tầm thấp hay còn được gọi là street furniture.

2.1 Bảng trụ độc lập (unipole)

Bảng trụ thường được hiểu là một khung biển quảng cáo được đặt trên một kết cấu trụ đỡ độc lập, được cố định sâu dưới mặt đất, thường được xây dựng từ 2 mặt trở lên để tận dụng hết không gian quảng bá thương hiệu. Loại hình này thường được bắt gặp tại các ngã tư lớn, chân cầu, đường cao tốc, quốc lộ nơi có không gian rộng.

Bảng trụ tại Tiền Giang; Nguồn: Shojiki Ads

Bảng trụ tại Tiền Giang; Nguồn: Shojiki Ads

Kích thước: dao động từ 40m2 – 120m2/mặt đối với nội đô và tối đa 200m2/mặt khi đặt tại cao tốc, quốc lộ. Chiều cao từ điểm cao nhất của mặt đường tới mép dưới của bảng dao động từ 8m – 15m.

Kết cấu: kết cấu một bảng trụ gồm khung thép, trụ và móng. Với đặc điểm dễ bị tác động bởi mưa bão, khi xây dựng phần móng cần chú trọng đào sâu và rộng, nếu cần thiết có thể dùng móng cọc với số lượng cọc ép và khoảng cách từ cọc ép đến tim đủ cân bằng ngay cả khi gió bão. Phần khung được cấu thành từ các dầm chữ I bằng thép, giúp nâng đỡ lớp bạt in và gắn thiết bị chiếu sáng, kích thước tiêu chuẩn cho một cụm khung thép lớn là 20 x 60 ft(6,1 x 18,3m), 20 x 48 ft(6,1 x 14,6m) hoặc 10 x 36 ft(3 x 11m).

Chất liệu: đối với trụ và khung: thường được làm bằng thép và phủ một lớp sơn trên bề mặt để tránh quá trình oxy hóa gây rỉ sét và bào mòn vật liệu.

Đối với lớp bạt in hình ảnh quảng cáo: có nhiều chất liệu nhưng bạt hiflex vẫn được ưa chuộng nhờ giá thành rẻ, bền và đẹp, được làm từ nhựa PVC, có màu trắng sữa, chịu được thời tiết nắng mưa, khả năng co giãn tốt và sản phẩm sau in cho hình ảnh đẹp trong vòng tối đa 12 tháng.

Ưu điểm: bảng trụ là loại hình có lượng khách tiếp cận hàng ngày lớn nhất vì được lựa chọn địa điểm rất kỹ. Diện tích bảng trụ thường rất lớn là cơ hội cho khách hàng lựa chọn phong cách thiết kế sáng tạo hay kết hợp 3D và dễ lọt vào tầm nhìn của người tham gia giao thông thậm chí từ vài km với điều kiện thích hợp.

Nhược điểm: vì chi phí thi công, lắp đặt, thay maquette cao nên việc cập nhật nội dung quảng cáo nhằm bắt kịp xu hướng gây tốn kém. Bảng trụ thường đặt ở đường cao tốc, quốc lộ có yêu cầu tốc độ di chuyển nhanh và khó nhìn thấy nội dung quảng cáo, nên giới hạn nội dung và tập trung vào khâu hình ảnh với màu sắc nổi bật. Bảng trụ sẽ nằm độc lập bên đường nên rất dễ bị hư hại, rách bạt hay hỏng đèn đổ trụ cần kiểm tra thường xuyên.

Trụ quảng cáo kết hợp mock-up tại Hồ Chí Minh

Trụ quảng cáo kết hợp mock-up tại Hồ Chí Minh do Shojiki Ads thực hiện

2.2 Bảng ốp tường

Trong thành phố “tấc đất tấc vàng” không có không gian làm trụ độc lập loại hình biển quảng cáo thường bắt gặp nhất là bảng ốp tường được lắp tựa vào bên hông hay mặt tiền của một tòa nhà. Các nhà kinh doanh quảng cáo và chủ nhà đã đi đến một thống nhất về mặt lợi ích và chia sẻ một phần mặt tiền hoặc bên hông tòa nhà cao tầng có tầm nhìn thoáng đãng, không khó có thể tìm những biển bảng này tại vòng xoay, ngã tư, chân cầu vượt hay đường dẫn đến sân bay.

Bảng ốp tường tại Hồ Chí Minh do shojiki làm

Bảng ốp tường tại Hồ Chí Minh; Nguồn: Shojiki Ads

Kích thước: thông thường, diện tích mặt bảng dao động từ 40m2 – 150m2

Kết cấu: khung sắt được bắt vít chặt vào tường với một mặt in quảng cáo. Bảng có thể nhô không quá 50% khỏi bờ tường.

Chất liệu: tương tự như bảng trụ.

Ưu điểm: bảng ốp tường cần ít thời gian thi công xây dựng, lắp đặt hơn bảng trụ vì nằm trong nội thành và kết cấu đơn giản, từ đó chi phí bảng ốp tường thấp hơn bảng trụ và bảng led ngoài trời. Vì đặt trong nội thành, bảng ốp tường có lợi thế tiếp xúc với mật độ giao thông cao, thường xuyên kẹt xe làm chậm tốc độ di chuyển và đèn tín hiệu giao thông kéo dài. 

Nhược điểm: mật độ bảng quảng cáo dày đặc gây nhiễu sự chú ý của người tham gia giao thông, bên cạnh đó các tòa nhà cao tầng, cây xanh nội thành, dây điện cũng làm mất tầm nhìn một bộ phận hoặc toàn phần của bảng. Bị giới hạn về nội dung để truyền tải thông điệp nhanh chóng trong dòng lưu lượng đông đúc. Cơ cấu giá thì chi phí thuê vị trí rất lớn dẫn đến giá cao tương đương thậm chí hơn bảng trụ độc lập dù diện tích nhỏ hơn.

Bảng ốp tường tại vòng xoay Dân Chủ, Hồ Chí Minh

Bảng ốp tường tại vòng xoay Dân Chủ, Hồ Chí Minh; Nguồn: Shojiki Ads

2.3 Tri-vision

Tri-vision hay còn gọi là biển lật ba mặt là biển quảng cáo tấm lớn được xếp thành từ những thanh trụ tam giác đặt cạnh nhau trong khung sắt. Vì vậy, bảng tri-vision có thể thể hiện được ba nội dung khác nhau trên một biển quảng cáo qua việc làm xoay các thanh trụ tam giác, dưới sự vận hành của mô-tơ điện.

Một biển quảng cáo tri-vision tại Hồ Chí Minh

Một biển quảng cáo tri-vision tại Hồ Chí Minh; Nguồn: Shojiki Ads

Vị trí: tri-vision thường được đặt trong nội đô, nơi có nhiều người qua lại, mật độ giao thông cao, không bị che khuất tầm nhìn. 

Kích thước: tri-vision có kích thước không quá lớn, nhưng cũng không quá bé, thường sẽ là từ 20m2 trở lên.

Kết cấu: tri-vision được lắp đặt trong khung sắt, dựng trên cột trụ, hoặc ốp tường (giống billboard và pano). Những thanh trụ tam giác đều sẽ được đặt sát nhau trong khung sắt với khoảng cách giữa các thanh trụ là từ khoảng 4 – 8mm.

Cơ chế hoạt động: mô-tơ điện sẽ đảm nhận nhiệm vụ làm xoay các thanh trụ một góc 120 độ theo chu kỳ được thiết lập sẵn, qua đó nội dung quảng cáo sẽ được thay đổi, thu hút sự chú ý của người đi đường.

Chất liệu: các thanh trụ trên biển thường được làm bằng nhôm do có ưu điểm nhẹ, bền, đẹp. Hình ảnh quảng cáo sẽ được cắt và dán lên các mặt của thanh lật trụ.

Chiếu sáng: có thể sử dụng đèn để chiếu sáng vào ban đêm.

Ưu điểm: tri-vision có thể hiển thị cùng lúc ba nội dung quảng cáo trên một bảng, đồng thời nó thu hút sự chú ý bởi chuyển động lật của các thanh trụ tam giác. Các vị trí đặt tri-vision đều là vị trí đẹp, không bị che chắn, nơi nhiều người qua lại.

Nhược điểm: kích thước của tri-vision bị giới hạn, không được quá to và cũng không được quá bé. Được kết hợp từ các thanh trụ tam giác nên nó sẽ có khe hở giữa các thanh trụ. Đồng thời, chi phí triển khai tri-vision sẽ cao do sử dụng kết cấu cùng chất liệu đắt tiền, thi công phức tạp và mất thời gian.

2.4 Street furniture

Là các bảng quảng cáo có độ cao thấp ngang tầm nhìn, được xây trên dải phân cách hoặc trên vỉa hè các tuyến đường lớn, khu vực công viên, nhà chờ xe buýt. Street furniture được phân làm 3 loại hình chính: bảng hộp đèn (lightbox), trạm dừng xe buýt (bus shelter) và kiosk (như trạm điện thoại, trạm thông tin xe buýt,…). Loại hình này có kích thước nhỏ và tiếp cận sâu với người dùng. Chi phí trung bình từ 5,000 USD/vị trí quảng cáo/năm.

Hộp đèn dải phân cách trong thành phố

Hộp đèn dải phân cách trong thành phố; Nguồn: Shojiki Ads

Kích thước: chiều cao từ 1 – 3m, diện tích trong khoảng 3m2 – 15m2/mặt.

Kết cấu: khung kim loại làm giá đỡ, bên ngoài bọc nhựa mica, bên trong có tấm dẫn sáng để đảm bảo ánh sáng đi đến tất cả không gian quảng cáo, đèn chiếu sáng ngoài hoặc trong.

Chất liệu: khung nhôm hoặc aluminum có lỗ thông gió, sử dụng bạt hiflex xuyên sáng hoặc bạt backlit với độ bền cao, khả năng xuyên sáng tốt. Nhựa mica trong suốt có khả năng chịu nhiệt tốt, chắc chắn, bề mặt nhẵn mịn bóng loáng, đắt hơn có thể chọn thủy tinh hay kính cường lực. Bộ nguồn trữ điện chỉ khoảng 12V, đảm bảo không gây nguy hiểm đến con người.

Ưu điểm: chi phí triển khai thấp hơn các loại hình khác nhờ kích thước nhỏ gọn, việc thi công dễ dàng, tốn ít nhân lực và dễ tháo lắp thay thế nội dung. Hệ thống chiếu sáng đặt bên trong mặt bảng tạo hiệu ứng nổi bật hẳn trong đêm tối, ít tốn kém và hư hỏng hơn khi đặt bên ngoài, đồng thời giúp đem lại hình ảnh gọn gàng, sang trọng. Bảng tầm thấp dễ dàng lọt vào tầm mắt người đi xe, đi bộ và những người thuộc trường phái xe buýt, có khả năng tiếp cận mọi đối tượng không phân biệt giới tính, ngành nghề, lứa tuổi. 

Nhược điểm: tầm nhìn thấp khó nhìn thấy từ khoảng cách hơn 100m, cần tiếp xúc khoảng cách gần nên khâu in ấn, thi công bảng cần chú trọng chi tiết và chất lượng, bản in cần phải rõ nét. Bảng tầm thấp rất nhỏ và khó nhìn thấy vì vậy hầu như chỉ được xây trong trung tâm thành phố, khách hàng thường áp dụng chiến lược chạy hàng loạt bảng kế tiếp nhau để tăng mức độ ghi nhận thông tin quảng cáo và tạo sự chú ý cho người nhìn.

Một số lưu ý khi sử dụng bảng quảng cáo truyền thống 

Khi mua biển bảng truyền thống hay bất cứ hình thức quảng cáo ngoài trời nào, ta đều cần lên kế hoạch chi tiết khi mua biển bảng truyền thống, gồm: ngân sách, khu vực chạy, thời gian chạy, tệp khách hàng muốn nhắm đến… Ngoài ra, khách hàng nên lưu ý một số điểm sau:

  • Khảo sát góc nhìn và tầm nhìn của bảng, kiểm tra bảng có bị che khuất bởi cây cối hoặc công trình xây dựng hay không trước và định kỳ trong quá trình xây dựng. Đối với biển khu cao tốc thường được xây dựng dày đặc, khiến tình trạng che nhau rất thường xuyên, hãy yêu cầu cung cấp video thay vì hình demo, hãy yêu cầu cung cấp hình từ nhiều khoảng cách khác nhau.
  • Nên có số liệu đo lường lưu lượng người có khả năng nhìn thấy biển bảng. Ngoài ra, hãy ra thực địa khi có thể.
  • Kiểm tra bảng đã được cấp phép hoạt động. Có cần phải chạy cổ động không, nếu chạy thì chính sách sẽ như thế nào.
  • Giá cả: biển bảng truyền thống tầm cao thường có giá từ 200tr/năm lên đến 2-3 tỷ/năm, giá nửa năm khoảng 65% giá một năm, giá 3 tháng khoảng 35% giá một năm và cần mua tối thiểu 3 tháng.
  • Chính sách hỗ trợ của chủ bảng (chất liệu bạt, thay maquette, xử lý khi bạt rách, các trường hợp khách hàng được bù thời lượng…)
  • Thông thường, nhà cung cấp sẽ miễn phí lần lên bạt đầu và chi phí này đã nằm trong gói mua, nếu thương lượng hãy thương lượng được miễn phí thay bạt sau 06 tháng.
  • Hãy kiểm tra đèn, nhiều đơn vị lắp đèn không chuẩn gây chói mắt mất nội dung bạt về đêm, hoặc đèn hư hỏng sau một thời gian. Hãy yêu cầu hình ảnh nghiệm thu mỗi tháng gồm ngày và đêm. Nếu thấy số đèn chưa đủ, hãy thương lượng với chủ bảng để thêm số lượng đèn. Hãy chọn loại biển có đèn trên đèn dưới để tạo ra hiệu ứng chiếu sáng tốt nhất.
  • Thời gian lên nội dung từ 3 – 14 ngày kể từ ngày khách hàng duyệt layout. Hãy có kế hoạch sớm tránh bị động.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Compass-Tech, Compass công bố báo cáo tổng quan ngành quảng cáo ngoài trời quý 1/2021, OOHClub, 04/2021.

[1]. Compass-Tech, Quảng cáo ngoài trời tăng mạnh trong mùa dịch, cao hơn so với tết 2021, OOHClub, 07/2021.